5 lời khuyên tệ hại sẽ phá hỏng ứng dụng di động của bạn

Xây dựng một ứng dụng di động cũng giống như việc xây dựng một start up. Việc các nhà phát triển ứng dụng nhận được lời khuyên từ bạn bè hay gia đình là điều tất yếu. Nhiều lời khuyên sẽ giúp bạn thành công, tuy nhiên một trong số đó có thể gây chệch hướng và đặt việc kinh doanh từ ứng dụng của bạn vào vòng nguy hiểm.

Nếu muốn ứng dụng của mình phát triển, hãy tránh xa 5 lời khuyên tệ hại có thể phá hỏng ứng dụng di động của bạn.

  1. “Xây dựng ứng dụng trên nhiều nền tảng cùng một lúc.”

Xây dựng ứng dụng cho nhiều nền tảng cùng lúc thường là thách thức đầu tiên mà nhiều nhà phát triển phải đối mặt. Sau khi hoàn thành một ứng dụng di động, tất nhiên bạn muốn đưa nó tiếp cập tới mọi người dùng tiềm năng ngay từ ngày đầu tiên. Tuy nhiên trên thực tế, điều này là không thể. Cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc là một sai lầm.

Trừ khi bạn có một nguồn lực dồi dào sẵn có, thì nỗ lực thiết kế ứng dụng cho nhiều nền tảng sẽ chỉ lãng phí khoảng thời gian và tiền bạc quý giá. Đương nhiên, nếu bạn có một đội ngũ nhân viên phát triển mạnh và một khoản ngân sách kha khá, thì việc này hoàn toàn ổn. Nhưng nếu bạn chỉ là một cá nhân hay một đội ngũ nhỏ, thì rủi ro bạn loãng phí thời gian và tiền bạc là việc đáng phải cân nhắc.

Thay vào đó, hãy xem xét lựa chọn một trong những nền tảng lớn trước, dựa trên nhu cầu sử dụng thiết bị di động của người dùng mục tiêu, rồi sau đó mở rộng ứng dụng sang các nền tảng khác một vài tháng sau ngày phát hành. Bằng cách làm như vậy, bạn không chỉ tiết kiệm thời gian và tiền bạc, mà còn tránh được các trục trặc lớn với ứng dụng trong khi phát triển và phát hành. Instagram ban đầu tiên cũng chỉ được khởi động trên iOS. Phiên bản Android phải chờ hai năm sau mới được ra mắt thị trường.

Hãy tập trung vào KPIs cho ứng dụng của bạn và hướng đến nhóm người dùng phù hợp nhất trên một nền tảng mang lại nhiều giá trị nhất cho bạn.

  1. “Cứ phát hành ứng dụng luôn. Fix bug làm sau cũng được.”

Vậy là bạn vừa hoàn chỉnh ứng dụng. Đã đến lúc phát hành nó trên các kho ứng dụng rồi phải không? Sai rồi.

Bạn đã test ứng dụng của mình chưa? Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng nếu Apple phát hiện ra bug trong ứng dụng của bạn, nó sẽ bị loại khỏi App Store ngay lập tức. 8% các ứng dụng iOS bị từ chối do lý do này.

Khi bạn tạo ra một ứng dụng, bạn cần dành chút thời gian để thử nghiệm. Đây là cơ hội để bạn có thể phát hiện ra bất kỳ trục trặc nào của ứng dụng, xử lý, hạn chế bug, và thậm chí cân chỉnh lại thiết kế tổng thể.

Đáng tiếc, nhiều nhà phát triển không thực hiện giai đoạn này một cách tử tế. Trong nhiều trường hợp, họ thường đốt cháy giai đoạn này vì muốn đưa ứng dụng lên kho một cách nhanh chóng nhất. Dẫn đến hậu quả là một ứng dụng có quá nhiều trục trặc và bug ngay ngày phát hành.

Bug có thể là một phần của phần mềm nhưng không có nghĩa là bạn nên phớt lờ và không làm gì cả để giảm thiểu chúng. Với sự đa dạng của thị trường điện thoại thông minh, việc ứng dụng của bạn được kiểm tra kỹ trên nhiều thiết bị di dộng phổ biến nhất có thể là điều cực kỳ quan trọng.

Trong quá trình test, hãy tận dụng mọi công cụ sẵn có. Ví dụ, chắc chắn bạn biết nhiều nhà phát triển khác, và đương nhiên bạn có những người bạn sẵn sàng dùng thử ứng dụng của mình. Hãy nhờ họ cài đặt và sử dụng nó. Cho họ thật nhiều thời gian để dùng thử ứng dụng như một người dùng bình thường, và sau đó lắng nghe phản hồi của họ – dù là tốt hay xấu.

Bạn càng có nhiều lỗi khi mới phát hành, càng ít người dùng sẵn sàng tải ứng dụng của bạn. Chỉ một lần crash là đủ để người dùng không chỉ gỡ bỏ ứng dụng mà còn để lại phản hồi tiêu cực trên App store. Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 16% người dùng sẽ thử một ứng dụng bị crash và gặp lỗi hơn hai lần.

Thật kiên nhẫn trong quá trình test. Đừng vội. Hãy nhớ, chất lượng mới quan trọng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ứng dụng của bạn phát hành chậm hơn một tháng so với dự kiến. Hãy đảm bảo rằng trải nghiệm người dùng ứng dụng của bạn thật tốt và nói không với bug và crash.

  1. “Thiết kế giao diện và tính năng không cần quá đẹp.”

Không điều gì có thể giết chết một ứng dụng nhanh hơn một thiết kế giao diện xấu. Hãy nhớ, một ứng dụng thành công là tạo ra những thứ đơn giản nhất có thể mà vẫn gói trọn tất cả các tính năng cần thiết. Bạn thực sự cần đầu tư thời gian để thiết kế một giao diện hoàn hảo.

Nếu thiết kế giao diện không phải là thế mạnh của bạn, hãy cân nhắc việc thuê một người chuyên về thiết kế giao diện, nếu ngân sách của bạn cho phép. Nếu không, hãy nghiên cứu nhiều hơn về nó trước khi thực hiện.

Mỗi đặc tính bạn thêm vào ứng dụng phải thật sự có ích. Bổ sung các tính năng không thực sự mang lại bất kỳ giá trị nào, sẽ chỉ khiến giao diện trở nên lộn xộn và gây phiền toái cho người dùng. Khi thiết kế ứng dụng, hãy xác định rõ các tính năng cốt lõi (core features) mà người dùng sẽ cần và tập trung thời gian của bạn để hoàn thiện chúng. Những tính năng bổ sung, dù quan trọng, nhưng không cần thiết cho giá trị cốt lõi của ứng dụng. Hãy xem xét thêm chúng vào phiên bản cập nhật trong tương lai.

Tập trung vào việc thêm những tính năng mà người dùng của bạn thấy có giá trị, và sau đó gói chúng trong một giao diện đơn giản, trơn tru. Những tính năng có ích và mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi thiết kế giao diện đơn giản, thật sự là chìa khóa để thành công.

  1. “Chiến lược kiếm tiền từ ứng dụng (monetization) có thể chờ.”

Việc tập trung vào xây dựng chức năng và cách vận hành của ứng dụng là đương nhiên, nhưng bạn cũng chớ bỏ qua việc monetization ngay từ những thiết kế đầu tiên. Chắc chắn bạn đang hy vọng việc phát hành một ứng dụng di động sẽ đổ thật nhiều tiền về túi của bạn vào một thời điểm nào đó. Vậy mà tại sao nhiều nhà phát triển lại cứ quên phần này trong khi thiết kế ứng dụng di động?

Bằng cách kết hợp chiến lược monetization của bạn vào giao diện và thiết kế, bạn có thể khiến cho trải nghiệm người dùng trơn tru hơn nhiều ngay hơn từ đầu – thay vì chắp vá một chiến lược monetization tồi tệ ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng.

Nếu không có một chiến lược monetization hiệu quả, ứng dụng di động của bạn có thể thất bại trong việc đạt được các mục tiêu về kinh tế, cho dù nó có phổ biến đến mức nào.

Ngay từ giai đoạn mới xây dựng, bạn nên xác định rõ chiến lược monetization của mình. Bạn có định tính phí cho ứng dụng của mình không? Bạn có muốn hiện quảng cáo không? Bạn có định bán sản phẩm hoặc dịch vụ nào không? Bạn có cân nhắc mô hình freemium không?

Hãy bắt đầu suy nghĩ về monetization ngay từ quá trình mới phát triển, và thật chủ động trong việc xây dựng và theo đuổi một định hướng đúng đắn. Nghiên cứu về các ứng dụng cùng thể loại, bạn có thể có được cái nhìn sâu sắc về cách mà các ứng dụng thành công nhất kiếm tiền.

Bạn phải tự hỏi mình tất cả những câu hỏi này trước khi ứng dụng sẵn sàng phát hành. Xác định rõ kế hoạch kiếm tiền từ ứng dụng sớm nhất có thể là chìa khóa của thành công và là giải pháp thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư của bạn khi ứng dụng được phát hành.

Bạn có thể tham khảo thêm một số cách kiếm tiền trong ứng dụng tại link.

  1. “Bạn không cần phải quảng cáo ứng dụng của mình.”

Có hơn 7 triệu ứng dụng trong các kho ứng dụng hàng đầu theo báo cáo tháng ba năm 2017 của Statista. Thị trường di động dường như đang dần bão hòa. Cho dù bạn có lạc quan đến mức nào, khi phát hành một ứng dụng, đồng nghĩa với việc bạn ném nó xuống biển hàng ngàn đối thủ. Nếu bạn không có một kế hoạch marketing toàn diện để tăng khả năng nhận diện, ứng dụng bạn có nguy cơ sẽ biến mất hoàn toàn.

Không có kế hoạch marketing thường là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các nhà phát triển mắc phải. Dù sao thì bạn cũng không phải là chuyên gia về quảng cáo; bạn là một nhà phát triển cơ mà. Nhiều nhà phát triển tin rằng marketing có thể chờ cho đến khi hoàn thành giai đoạn xây dựng, khi ứng dụng đã sẵn sàng phát hành.

Thực tế thì ngược lại. Dù bạn không cần phải bắt đầu marketing ngay từ ngày đầu tiên, nhưng bạn cần bắt đầu từ sớm trước khi ứng dụng của bạn sẵn sàng phát hành. Hãy khơi dậy sự phấn khích, tò mò và tạo ra một nhóm khán giả là những người dùng tiềm năng cho ứng dụng của bạn. Bằng cách đó, khi bạn đưa ứng dụng của mình lên App store, bạn đã có một nhóm người dùng nhất định sẵn sàng tải nó về.

Để biết khi nào nên bắt đầu chiến dịch tiếp thị có thể khó, vì có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc. Và tất nhiên, để quảng cáo ứng dụng mới của mình, bạn cần có một thứ gì đó để cho mọi người thấy. Khi thiết kế của ứng dụng đã được hình thành cũng như một số tính năng và ưu điểm, bạn nên bắt đầu chiến dịch của mình. Khi bạn thêm vào những đặc tính và chức năng mới, bạn có thể giới thiệu một vài screenshots và video để cho thấy ứng dụng mới của bạn đang tiến triển như thế nào.

Không phân biệt bạn là một thương hiệu lớn đang phát hành một sản phẩm mới hay là một startup mới thành lập – marketing luôn là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công. Để tăng tỷ lệ thành công của ứng dụng, hãy lên một kế hoạch marketing thích hợp bao gồm giai đoạn trước, trong và sau khi phát hành. Bởi chắc chắn có ai đó cũng đang cố gắng xây dựng một ứng dụng giống như bạn. Hãy chắc rằng ứng dụng bạn là mới là cái thu hút sự chú ý của người dùng.

Hãy đảm bảo rằng bạn xây dựng một ứng dụng mà người dùng cần và yêu thích. Hầu hết các ứng dụng thất bại vì không đạt được một trong hai tiêu chí này. Đừng rơi vào bẫy của những lời khuyên ở trên. Phát triển một ứng dụng cần thời gian, nỗ lực và một chiến lược khoa học. Tập trung xây dựng một ứng dụng bền vững và thành công bằng cách nghiên cứu KPIs của ứng dụng cũng như nhóm người dùng mục tiêu. Có một chiến lược trước và sau khi ra mắt sẽ giúp xây dựng một ứng dụng được sử dụng bởi nhiều người tiêu dùng có chất lượng.

(Tổng hợp)


Đừng quên theo dõi Fanpage của Adsota và AppotaX – Google Ad Exchange Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về Thế giới số cũng như thị trường Quảng cáo và Ứng dụng di động nhé!

Comments

comments

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *