AR vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của ứng dụng toàn cầu trong năm 2018

Trong 2 năm trở lại, công nghệ thực tế ảo – VR (Virtual Reality) và thực tế tăng cường – AR (Augmented Reality) là hai khái niệm được nhắc đến khá nhiều. Công nghệ thực tế tăng cường AR có thể hiểu là kết hợp giữa thông tin ảo và thế giới thực.

Năm 2016 được xem như sự lên ngôi của AR với cơn sốt Pokemon Go làm mưa làm gió trên khắp toàn cầu. Trò chơi trên thiết bị thông minh là ảo, nhưng tọa độ, bản đồ, địa điểm không gian của người chơi là thực.

Pokemon Go

Năm 2017, một loạt những gã khổng lồ như Facebook, Google hay Apple triển khai các sản phẩm ứng dụng công nghệ AR, cho đến các đại gia Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent cũng đã đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực này.

AR sử dụng thông tin ảo và gia tăng các trải nghiệm trong chính đời sống thật. Điều đáng nói là công nghệ thực tế tăng cường chỉ cần dựa trên thiết bị di động của người dùng. Phần lớn các loại smart phone hiện nay đều được trang bị camera và những công nghệ đủ tiên tiến để nhận biết về thế giới thực của người dùng.

Đấy cũng là một phần lý do các chuyên gia trong ngành đặt cược vào sự gia tăng của Augmented Reality trong năm 2018 tới. Theo các số liệu thống kê của App Annie, chỉ tính riêng thiết bị iPhone tại Mỹ, số lượt tải app liên quan tới AR đã tăng gấp 3 trong 3 tháng 8, 9, 10 của năm 2017.

Nguồn: App Annie

Đầu tháng 11, nhà phát hành Niantic (cũng là nhà phát hành game di động Pokemon Go) đã thông báo sẽ tung ra Harry Potter: Wizards Unite hứa hẹn sẽ tạo nên cơn sốt tương tự của năm 2016. Một ví dụ nổi tiếng khác, ứng dụng Google Dịch (Google Translate) hiện cũng đã tích hợp công nghệ AR, cho phép người dùng scan hình ảnh có chữ viết ngoài thế giới thực, và trả về kết quả dịch trên màn hình điện thoại.

Google Translate với AR

Bên cạnh đó, sáng tạo là một trong những yếu tố cực kỳ cần thiết nếu các nhà phát triển muốn đưa sản phẩm của mình “lên một tầm cao mới” bằng công nghệ AR. Các chuyên gia mobile app cũng nhận định, bên cạnh Game, các lĩnh vực thuộc mảng bán lẻ hay F&B (ăn uống), sát với nhu cầu của người tiêu dùng rất phù hợp để phát triển ứng dụng có sử dụng AR. Ví dụ, người dùng cầm di động trên tay, đi ngang qua một nhà hàng, thông báo về những ưu đãi mới nhất, món ăn mới sẽ lập tức xuất hiện trên màn hình điện thoại và cho phép người dùng đặt món ăn đó.

Trung Quốc và tham vọng đối với công nghệ

Như đã nói phía trên, các đại gia từ Trung Quốc như Baidu, Tencent, Alibaba đang mạnh tay đầu tư vào AR. Đây là quốc gia luôn dẫn đầu về lượng tiêu thụ các thiết bị hỗ trợ công nghệ thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR.

Không chỉ dừng lại ở Game, các công ty công nghệ Trung Quốc tập trung vào áp dụng AR trong các lĩnh vực gồm có giáo dục, y tế, marketing và du lịch, trong đó có dự án tái tạo khu di tích lịch sử tại Bắc Kinh với bản đồ tương tác 3D.

Áp dụng AR, Baidu trong năm qua đã hợp tác với hãng đồ ăn nhanh KFC, phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt để đưa ra gợi ý đồ ăn người tiêu dùng nên lựa chọn.

Công nghệ của Baidu và menu tại KFC. Nguồn: SmartShanghai

AR được xem như cơ hội và thách thức rất lớn cho các nhà lập trình và phát hành ứng dụng di động, và thành công sẽ đến với những ai đủ khả năng, sáng tạo và nắm bắt được những cơ hội đầy hứa hẹn này.

Comments

comments

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *